Phải làm gì khi tranh chấp đất đai có giấy chuyển nhượng?
Câu hỏi:
Xin chào luật sư, Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi về việc tranh chấp đất đai của gia đình tôi như sau: Trước năm 2000, vợ chồng tôi có mua lại căn nhà và đất của ông cậu, có giấy viết tay bán lại nhưng không có chữ kí của vợ ông cậu (gia đình ông cậu đều đồng ý). Tuy nhiên, gia đình cụ ngoại tôi có 5 người con gái và 1 mình cậu tôi. Sau khi cụ ngoại mất, cậu đã nhượng lại nhà cho tôi mà không có chữ ký của các dì còn lại. Tôi cũng đã làm được sổ đỏ từ giấy chuyển nhượng đó, trong thời gian sinh sống cũng đã có xây dựng và tu sửa.
Nay đất nhà tôi nằm trong diện quy hoạch bồi thường, cậu tôi sinh sống ở tỉnh khác lại về đòi đất, lên UBND đòi kiện, nói tôi cướp không nhà, giấy tờ trước đây không có giá trị. Trong giấy tờ chuyển nhượng tôi có viết sẽ để lại cho cậu tôi mảnh đất nhỏ để làm nhà thờ, nhưng vị trí và diện tích như thế nào đều do vợ chồng tôi quyết định.
Tôi cũng đã làm tách sổ đỏ cho con gái tôi nhưng chưa lấy được sổ. Luật sư cho tôi hỏi, liệu cậu tôi có đủ điều kiện để đâm đơn kiện gia đình tôi. Việc cấp sổ đỏ cho con tôi có bị hoãn lại, và nếu kiện thì phần thắng nghiêng về bên nào?
Xin cảm ơn và mong nhận được hồi đáp sớm nhất của luật sư!
Trả lời:
Cảm ơn chị đã tin tưởng công ty luật Trí Hùng. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của chị như sau:
1. Trả lời về quyền khởi kiện của cậu chị
Điều 109 Bộ Luật dân sự quy định: “1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. 2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Và theo khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật”.
Việc chuyển nhượng của cậu chị cho vợ chồng chị không có chữ kí của các dì còn lại, căn cứ vào Điều 109 thì đây là tài sản chung của cụ ngoại để lại cho cậu và các dì nên việc chuyển nhượng phải được sự đồng ý của 5 người này. Hơn nữa, hợp đồng chuyển nhượng theo quy định tại khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự thì phải được công chứng chứng thực, do đó hợp đồng chuyển nhượng của vợ chồng chị và cậu chị không có công chứng, chứng thực nên đã vi phạm về mặt hình thức.
Điều 137 Bộ luật dân sự quy định: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Như vậy, giao dịch dân sự giữa cậu chị với vợ chồng chị bị vô hiệu về mặt hình thức. Mặt khác nhà đất là của ông ngoại chị, ông ngoại chị mất cách đây đã hơn 10 năm vậy thời hiệu khởi kiện về thừa kế yêu cầu chia di sản mà ông ngoại bạn để lại đã hết.
Vì vậy, cậu cảu chị có thể nộp đơn yêu cầu chia tài sản chung và đề nghị Tòa án giải quyết. Các dì và mẹ của chị sẽ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
2. Về việc chuyển nhượng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 luật đất đai quy định, người sử dụng đất được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên, diện tích đất mà gia đình chị đang sử dụng hiện có tranh chấp và đang nằm trong diện quy hoạch vì vậy không đủ điều kiện để chị chuyển nhượng cho con gái.
Trân trọng!
Nguồn: tuvan.doisongphapluat.com/