Trang chủ Tin tức Không thể trông chờ mãi vào bầu sữa ODA

Không thể trông chờ mãi vào bầu sữa ODA

Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra trong tuần qua tập trung đối thoại chính sách thay vì những cam kết vốn ODA thuần túy. Đó thực sự là những “cần câu” giúp Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác phát triển đã được thiết lập, bắt đầu từ năm nay, khi thay vì tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), hai bên tổ chức VDPF.

“Trong bối cảnh hiện nay, cam kết ODA không còn quá nhiều ý nghĩa nữa, mà việc tư vấn chính sách trong giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vin nói và nhắc tới câu chuyện “con cá và cần câu” để ví von rằng, đã đến lúc Việt Nam phải biết đón nhận những “cần câu” chính sách để biết tự đứng trên đôi chân của mình và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

“Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những hỗ trợ tài chính không còn quan trọng, hay là các đối tác phát triển sẽ dành cho Việt Nam ít hơn các khoản viện trợ. Nhiều đối tác, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn cam kết dành cho Việt Nam những quan tâm hỗ trợ trong thời gian tới. Chỉ là, tại VDPF, cam kết ODA không phải là mục tiêu chính”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải.

Có cùng quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng đã khẳng định điều này. “Việc chuyển đổi từ CG sang VDPF sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Việt Nam và các đối tác phát triển. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ những nguồn lực tài chính giúp Việt Nam tiếp tục những thành quả đã đạt được trong 15 – 20 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chia sẻ ý tưởng, kiến thức giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề mới xuất hiện mới là điều quan trọng nhất”, bà Kwakwa nói và cho biết, sau khi thảo luận, hai bên sẽ thống nhất những hành động cụ thể để giúp Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.

a-t12

Với ý nghĩa như vậy, ông Hideo Suzuki, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam rất hào hứng cho biết, Nhật Bản sẵn sàng “chia sẻ rất nhiều cần câu cho Việt Nam”. Thậm chí, việc đối thoại chính sách, hay khuyến nghị chính sách có thể được thực hiện trong suốt cả năm, chứ không chỉ tại VDPF. “Đối thoại chính sách tại VDPF chỉ là động lực để chúng ta tăng cường đối thoại”, ông Suzuki nói.

Với mục tiêu tăng cường đối thoại chính sách, nên một trong những điểm đặc biệt tại VDPF lần này, đó là thay vì chỉ có một bài phát biểu trước các đối tác phát triển, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và cùng đối thoại một cách dân chủ, thẳng thắn về tất cả các nội dung của VDPF.

Câu chuyện cần câu – con cá

20 năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhà tài trợ. 37,59 tỷ USD vốn ODA đã được đưa vào giải ngân trong giai đoạn 1993 – 2012 và thêm khoảng 4 tỷ USD trong năm nay, đã góp phần rất lớn phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Một phần nhờ sự hỗ trợ của đồng vốn ODA quý báu, Việt Nam đã chính thức bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Và thông lệ, vốn ODA, đặc biệt là vốn viện trợ không hoàn lại, sẽ không được dành cho Việt Nam nhiều như trước kia.

Mặc dù theo cách nói của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “điều hiếm thấy” là các nhà tài trợ vẫn cam kết dành cho Việt Nam nguồn viện trợ không nhỏ, song khi đã bước sang ngưỡng cửa phát triển mới, thì Việt Nam phải biết “tự vay, tự trả”.

“Không thể trông chờ mãi vào bầu sữa ODA, chúng ta phải sử dụng vốn vay, với lãi suất cao hơn trước và chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể đứng vững trên đôi chân của mình”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Nhắc tới câu chuyện không ít người tưởng lầm vốn ODA là vốn cho không, nên có xu hướng dễ dãi trong việc sử dụng nguồn vốn này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, phải “có vay, có trả” thì chúng ta mới biết sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Cũng vì thế, tới đây, việc sử dụng vốn ODA sẽ được lồng ghép giữa vốn vay ưu đãi và vốn vay thương mại.

“Những dự án nào có thể thu hồi vốn thì phải sử dụng vốn vay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Thậm chí, câu chuyện vốn vay cũng sẽ được áp dụng với cả các dự án xóa đói giảm nghèo. Là người có 34 năm làm lãnh đạo ở các tỉnh miền núi, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là người thấu hiểu công tác xóa đói giảm nghèo những vùng đất này. Tiền cho không tiêu nhanh hết, giống cây phát không nhiều khi không được sử dụng. Chính sách như vậy sẽ không hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến một thực tế hiện nay, không ít hộ dân “xin được nghèo” để nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Giờ chúng ta sẽ không cho không nữa. Phải yêu cầu có vốn đối ứng, có vay, có trả, thì người dân sẽ tính toán, cân nhắc sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả nhất. Làm vậy không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay có ít đi sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, mà làm vậy là để giúp bà con tự đứng trên đôi chân của mình, từng bước trưởng thành, xóa đói giảm nghèo”, lại một lần nữa, câu chuyện “cho cần câu, chứ không cho con cá” được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập.

Đi chậm, làm chắc và hiệu quả

Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần có lộ trình để thực hiện. Vì thế, cả việc chuyển đổi từ CG sang VDPF, từ cam kết ODA sang đối thoại chính sách, hay từ việc chấp nhận “có vay, có trả”, tới việc ngay cả các chương trình xóa đói giảm nghèo cũng không thể cho không, sẽ cần thời gian để thực hiện.

Hội nghị CG đã có khoảng thời gian 20 năm đồng hành với Việt Nam. Và giờ, sẽ là VDPF. Cũng không phải là “các nhà tài trợ”, mà thay vào đó là “các đối tác phát triển”… Điều đó đồng nghĩa rằng, sự đổi mới về chất ở VDPF là thực chất và vô cùng sâu sắc. Và tất cả những thay đổi này sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam.

“Chúng ta làm chậm, nhưng chắc và phải thực sự hiệu quả. VDPF chắc chắn sẽ đồng hành với Việt Nam và các đối tác phát triển trong một hành trình dài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

20 năm qua, qua 20 kỳ Hội nghị CG, nguồn lực của các nhà tài trợ đã là động lực của quá trình đi lên, phát triển của Việt Nam, thì nay, cùng với chia sẻ tài chính và tri thức, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong chặng đường phát triển sắp tới. Và cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA lại một lần nữa được Chính phủ Việt Nam khẳng định. Cùng với đó, là các cam kết hành động đối với các khuyến nghị chính sách từ các đối tác phát triển, nhằm giúp Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.

Nhã Nam
Theo: baodautu.vn

Liên hệ Luật Sư Trí Hùng Liên hệ hỗ trợ qua Zalo
0912060765